Hướng dẫn mixing cơ bản – cách sử dụng EQ

EQ, một thuật ngữ mà tôi chắc chắn ai trong số chúng ta cũng đã từng nghe qua, ít nhất là một lần. Nhưng có thật sự là bạn đã hiểu hết về EQ chưa? Bản chất của việc sử dụng EQ là gì? Sử dụng EQ có ảnh hưởng đến Phase không? Chúng ta hãy cùng DT Records tìm hiểu EQ cơ bản trong bài seri hướng dẫn mixing lần này nhé

cách sử dụng eq trong mixing
Sử dụng EQ thuần thục là bước thứ hai khiến bạn có thể trở thành Sound Engineer chuyên nghiệp

1. EQ là gì?

Về định nghĩa cơ bản nhất, EQ (viết tắt của Equalizer) trong sản xuất âm nhạc và tái tạo âm thanh là quá trình điều chỉnh âm lượng của các dải tần số khác nhau trong tín hiệu âm thanh. Mạch điện hoặc thiết bị được sử dụng để đạt được điều này được gọi là Equalizer.

Hầu hết ở tất cả các thiết bị hi-fi điện tử ngày nay đều sử dụng các bộ lọc tương đối đơn giản để điều chỉnh âm bass và âm treble. Các đài truyền hình, đài phát thanh và các phòng thu âm sẽ có một bàn EQ lớn hơn, có thể điều chỉnh và can thiệp sâu hơn và âm thanh.

Chính bởi vì bộ chỉnh âm EQ có thể điều chỉnh biên độ của tín hiệu âm thanh ở các tần số cụ thể. Cho nên, chúng ta có thể nói, EQ cơ bản chính là nút volume dành riêng cho dải tần số.

Chỉnh Equalizer cơ bản sẽ khiến cho trải nghiệm âm thanh hay nhất

EQ sử dụng nhiều bộ lọc điện tử, lọc âm thanh theo nguyên lý tăng hoặc giảm tín hiệu của từng giải tần, bạn có thể điều khiển các bộ lọc này thông qua một loạt các nút bấm, núm vặn và thanh trượt. EQ có khả năng loại bỏ âm thanh xấu, cân bằng bù trừ tần số giúp âm thanh phát ra hoàn hảo hơn, cho bạn trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời nhất có thể.

2. Các chức năng điều khiển EQ cơ bản

Dưới đây là một số chức năng điều khiển của EQ cơ bản mà bất cứ người dùng nào cũng nên nắm rõ để có thể sử dụng thiết bị này đúng cách:

  • FREQ (frequency): Đây là thao tác đầu tiên khi sử dụng EQ để chọn vùng tần số để tác động.
  • GAIN: Thao tác tiếp theo khi chúng ta đã chọn được vùng tần số thì tùy chỉnh GAIN sẽ tăng (giảm) biên độ của vùng tần số vừa chọn.
  • Q (bandwidth): Tùy chỉnh mức độ ảnh hưởng của GAIN đối với các tần số xung quanh gần khu vực FREQ được chọn. Khi Q càng lớn thì nó sẽ kéo theo các tần số xung quanh mạnh mẽ, và ngược lại.
Giao diện của Parametric EQ 2 với các chức năng freq, bw, gain và lựa chọn filter

Con người có phạm vi thính giác trải dài khoảng từ 20Hz đến 20kHz. Các tần số thấp sẽ tạo ra tiếng ầm ầm sâu. Trong khi các tần số quá cao thì lại tạo ra một âm thanh khá chói tai. Tuy nhiên, phạm vi đó là nguyên tắc chung để tất cả các nhà sản xuất loa, tai nghe hay các thiết bị phần cứng và phần mềm chuyên biệt về âm thanh có thể áp dụng theo. Do đó, chúng ta có thể dựa vào EQ cơ bản, dò được các khoảng tần số âm thanh không mong muốn và làm giảm cường độ của chúng đi hoặc ngược lại theo các chức năng điều khiển trên của EQ.

3. Các thành phần (bộ lọc – filter) cơ bản của EQ

Về mặt định nghĩa EQ cơ bản, chúng ta đã biết EQ hoạt động sử dụng các bộ lọc hay chúng ta còn gọi là các filter. Các filter này hầu hết dựa vào đồ thị âm thanh để người ta đặt tên cho chúng.

3.1. High-Pass và Low-Pass filter

High-Pass và Low-Pass filter là 2 tính năng được sử dụng phổ biến nhất. High và Low pass filter thường cắt từ từ và trong khoảng -6 dB trên một octave (quãng tám), -12 dB trên octave hay thậm chí -18 dB trên một octave.

  • High-Pass filter (còn gọi là Low-cut filter – lọc cắt đi các tần thấp) có nghĩa là bất cứ tín hiệu ở dưới dải tần chỉ định sẽ được giảm đi, chỉ để các tần cao đi qua tại điểm được chọn.
  • Low-pass filter (còn gọi là High-cut filter – lọc cắt đi phần cao) Dùng để lọc bỏ đi các tần cao, chỉ để các tần thấp đi qua tại điểm được chọn (gọi là điểm cut-off). 
cách sử dụng hipass trong eq
Lọc High Pass filter trong EQ cơ bản

3.2. Shelving filter (lọc đa tần) 

Shelving filter là chức năng dùng để chỉnh đồng thời hàng loạt các tần số xung quanh tần số đã chỉ định làm tăng (và giảm) cường độ tín hiệu của tần số ở phạm vi rộng.

Dạng lọc Shelving filter ngoài nút chỉnh tần số còn một nút để chỉnh tăng hay giảm. Như ở trên High-pass hay Low-pass dùng để cắt đi các tần số dư hơn là tăng. Còn Shelving filter dùng khi ta muốn tăng nhiều giải tần cùng lúc.

Cơ chế hoạt động của Shelving Filter không làm tăng hoặc giảm tín hiệu ngay lập tức mà sẽ tăng dần dần mức độ đến mức yêu cầu, sau đó chuyển thành đường thẳng.

  • Low Shelf: tất cả dãy tần bên phải điểm được chọn (dãy tần trầm) sẽ tăng/ giảm cường độ.
  • High Shelf: tất cả dãy tần bên trái điểm được chọn (dãy tần cao) sẽ tăng/ giảm cường độ.
Bộ lọc đa tần Shelving filter hoạt động không làm tăng hoặc giảm tín hiệu ngay lập tức mà tăng dần dần

3.3. Peaking filter (Bell filter)

Peaking Filter là tùy chỉnh giúp can thiệp cắt giảm/tăng cường một cách chi tiết và chính xác (theo dạng đỉnh) tại khu vực điểm được chọn vì ít ảnh hưởng các tần xung quanh. Lưu ý Peaking Filter chỉ can thiệp được điểm chọn theo dạng đỉnh nên phạm vi tác động khá hẹp.

Bộ lọc Peaking filter cũng có 2 nút, một để chọn một tần số trung tâm nào đó, và nút kia để chỉnh tăng giảm tín hiệu. Peaking filter thường dùng khi cần xử lý chính xác tần số cụ thể không mong muốn như tiếng ồn, tiếng huýt, tiếng vo ve…

Khi ta tác động tới Q hay bandwidth khi sử dụng bộ lọc này sẽ quyết định độ rộng của hình chuông filter. Với Q thấp, vùng tác động của filter rộng hơn, với đỉnh là tần số chỉ định, độ tác động lài dần đến khi không còn tác động nữa.

Sử dụng Peak filter với Q cao để dò âm thanh xấu không mong muốn trong EQ cơ bản

Ngoài các dạng lọc EQ cơ bản trên, ta còn có thêm các tính năng khác như Band pass filter và Notch filter. 

Giả lập EQ phần cứng bằng Virtual Mix Rack với đầy đủ các bộ lọc filter được liệt kê ở trên

Trừ High-Pass và Low-Pass filter (chỉ cắt) thì cả Bell và Low Shelf/High Shelf filter đều có thể cắt hoặc tăng, giảm âm lượng . Việc cắt hoặc tăng, giảm âm lượng bao nhiêu phụ thuộc vào thông số Gain. Nếu ta chọn giá trị Gain là số âm tức là ta đang dùng filter đó để cắt, nếu giá trị gain là 0 thì filter đó đang không có tác dộng, nếu giá trị gain là số dương thì ta đang dùng filter để tăng âm lượng của khoảng tần số chỉ định.

Để tạm kết cho bài viết ngày hôm nay, chúng tôi sẽ đề cập đến một dạng EQ nữa kết hợp cả EQ và Compressor đã và đang được rất nhiều các kỹ sư âm thanh hàng đầu tin tưởng sử dụng vì những tính năng và sự tiện dụng của nó đem lại. Các bạn hãy đón chờ các bài viết mới của seri hướng dẫn mixing cơ bản nhé.

Tham khảo thêm:

https://en.wikipedia.org/wiki/Equalization_(audio)

– PVCH –