Hướng dẫn mixing cơ bản – cách sử dụng Compressor

Nếu bạn đọc các bài post từ trước đến nay của chúng tôi, chắc hẳn bạn là người rất đam mê sản xuất âm nhạc và mong muốn tìm hiểu điều này. Để không mất quá nhiều thời gian, chúng ta cùng đi tìm hiểu vào chủ đề chính của ngày hôm nay: Compressor. Compressor là gì? Compressor dùng như thế nào? Ý nghĩa thực sự của việc sử dụng Compressor là gì? Tất cả những câu hỏi đặt vấn đề trên sẽ được hệ thống hóa ở dưới đây

cách sử dụng compressor
Sử dụng Compressor thuần thục là bước đầu tiên khiến bạn có thể trở thành Sound Engineer chuyên nghiệp

1. Dynamics

Trước khi tìm hiểu về bản chất của Compressor, chúng ta cần phải hiểu về Dynamics. Thuật ngữ này được những music producer chuyên nghiệp sử dụng rất nhiều khi mô tả tổng thể những bài được đánh quá đều. Mức âm lượng và cường độ âm thanh quá đều người ta sẽ gọi là chả có tí Dynamics gì cả.

Trước đây, khi học trong quá trình học phổ thông, các bạn sẽ bắt gặp những khuông nhạc có có ký hiệu viết tắt p, pp, mf, mp, f … thì trong quá trình đánh đàn piano, nó sẽ thể hiện mức độ mạnh nhẹ Dynamics khi chúng ta bấm nốt nhạc.

Điển hình một sheet nhạc cổ điển cho vocal và piano có ký hiệu dynamics nốt nhạc

Nếu bạn nghe 1 giàn nhạc giao hưởng chơi, bạn sẽ thấy lúc thì họ đánh bé xíu, lúc thì to, lúc thì vừa phải. Sự biến động về âm lượng của tín hiệu audio theo thời gian đó chính là Dynamics.

Dynamics có thể phân tích ở nhiều cấp độ. Từ sự biến động âm lượng của 1 âm thanh đơn lẻ hay của 1 nhạc cụ trong 1 bài hát tới biến động về âm lượng của cả 1 bài hát. Các phần mềm thu âm biểu diễn tín hiệu âm thanh dưới dạng Waveform (dạng hình học của sóng âm).

2. Compressor là gì?

Về bản chất, Compressor (máy nén) giúp kiểm soát Dynamics của tín hiệu âm thanh. Mục đích của Compressor là giảm bớt biên độ biến đổi về cường độ âm thanh (tức là Dynamics). Nó thu hẹp sự khác biệt về độ lớn âm lượng giữa tín hiệu âm thanh bé nhất và tín hiệu âm thanh lớn nhất. Kết quả thu được là một âm thanh có âm lượng ổn định hơn, ít biến động hơn.

Khi thu âm cho một ca sĩ, Compressor giúp giảm bớt âm lượng lúc ca sĩ hát to và làm tăng âm lượng khi ca sĩ hát nhỏ. Vì thế, chúng ta có cảm giác âm lượng giọng hát không biến đổi quá nhiều lúc ca sĩ gào rú và lúc hát nhẹ nhàng du dương. Để có thể dễ dàng hình dung hiệu ứng âm thanh sau khi bị biến đổi khi sử dụng Compressor, hãy nhìn vào 2 waveform dưới đây

Tín hiệu âm thanh khi chưa được Compressor
Tín hiệu âm thanh sau khi đã Compressor

Bạn có thể dễ dàng thấy rõ sự thay đổi trong Waveform giữa âm thanh gốc và âm thanh bị compress (nén).

Ngoài ra, nếu sử dụng Compressor một cách hợp lý, bạn có thể khiến bản mix hoặc nhạc cụ nghe tự nhiên, có sức sống hơn. Thậm chí, bạn có thể “nhuộm màu” (thay đổi chất âm) cho bản mix hoặc nhạc cụ một cách nhẹ nhàng mà không sợ bị méo âm thanh bởi đa số các Compressor đều có chất âm rất đặc trưng. Chúng sẽ “bơm” vào tín hiệu âm thanh đi qua mình “dấu ấn” đó với mức độ khác nhau, phụ thuộc vào việc bạn bắt Compressor tác động vào âm thanh nhiều hay ít.

3. Thông số điều khiển trong Compressor

Khi mới nhìn vào giao diện của 1 Compressor thông thường, bạn rất có thể sẽ “sốc” hoặc phát điên vì… không hiểu gì hết! Những thông số quan trọng nhất của Compressor đa phần lại hoàn toàn không thể ngay lập tức luận ra nhanh bằng cách tra từ điển. Tùy vào từng Compressor, số lượng thông số được phép điều chỉnh có thể nhiều hoặc ít hơn danh sách dưới đây.

Threshold

Tôi đã nói với bạn Compressor là thiết bị điều khiển âm lượng một cách tự động chưa? Nếu chưa thì hãy nhớ giúp tôi nhé!

Compressor tự động phân tích tín hiệu âm thanh, nếu tín hiệu đó thỏa mãn tiêu chí bạn đặt ra, nó sẽ tự động tác động lên âm thanh. Threshold chính là tiêu chí đó!

Threshold có vai trò như hoa tiêu chỉ điểm báo cho Compressor biết khi nào được phép bắt đầu hoạt động. Nó quy định 1 mức cường độ âm thanh cụ thể nào đó (ví dụ: -18dB), nếu cường độ âm thanh vượt quá ngưỡng đó, Compressor sẽ hoạt động ngay và giảm cường độ xuống. Nếu cường độ âm thanh thấp hơn ngưỡng đó, Compressor sẽ tha chết, cho qua!

Threshold là 1 trong 2 thông số quan trọng nhất của Compressor. Sự quan trọng này được minh chứng bởi các Compressor tối giản chức năng với chỉ 2 điều khiển duy nhất. Threshold luôn là 1 trong 2!

Compressor LA-2A với 2 nút điều khiển chính bao gồm Gain và Threshold (ghi là Peak Reduction)

Compression Ratio

Ratio (tỉ lệ nén) chính là thông số quan trọng thứ 2. Ratio quy định mức độ can thiệp (hay nói cách khác là độ… thô bạo) của Compressor lên cường độ tín hiệu âm thanh nếu cường độ tín hiệu vượt quá ngưỡng Threshold.

Ratio càng cao thì Compressor càng giảm mạnh cường độ tín hiệu âm thanh.

Đây là một thông số hay gây hiểu nhầm cho người mới bắt đầu. Hãy nhớ Ratio là tỷ lệ, không phải là một con số cố định nhằm ám chỉ số dB bị giảm đi bởi Compressor đâu nhé!

Ratio của Compressor thường được biểu diễn dưới dạng n:1 (ví dụ: 1:1, 2:1, 4:1, 5:1).

Giả sử Ratio là 4:1, khi tín hiệu vượt quá threshold 4dB, Compressor sẽ giảm cường độ tín hiệu âm thanh để nó chỉ vượt quá threshold 1/4 của 4dB, tức là 1dB. Tương tự, nếu tín hiệu vượt quá threshold 8dB, Compressor sẽ giảm cường độ để tín hiệu chỉ vượt quá threshold 1/4 của 8dB, tức là 2dB.

Hãy làm phép tính đơn giản, số dB mà Compressor cho phép cường độ tín hiệu âm thanh vượt ngưỡng Threshold = 1/n.

Ratio 1:1 là tỉ lệ khá đặc biệt vì khi đó Compressor sẽ… không làm gì cả, để im cho tín hiệu đi qua. Dưới đây sẽ là những bức ảnh thể hiện rõ ràng nhất sự so sánh tín hiệu âm thanh bị tác động như thế nào với các Ratio khác nhau khi sử dụng Compressor

Chắc hẳn bạn đang thắc mắc Ratio như thế nào được coi là nhẹ, vừa và mạnh? Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, 2:1 là tỉ lệ nén nhẹ nhàng. Từ 3:1 đến 4:1 là tỉ lệ nén vừa phải. 5:1 đến 8:1 trở lên là tỉ lệ nén mạnh. Từ 10:1 trở lên tới ∞:1 (∞ là dương vô cực), Compressor được coi như 1 Limiter. Tại ratio ∞:1, Compressor sẽ trở thành BrickWall Limiter và không cho tín hiệu vượt quá Threshold nữa.

Attack

Ví dụ bạn đã căn xong Threshold cũng như Ratio chẳng hạn. Với cường độ audio hiện tại, theo như ratio đã căn, Compressor sẽ gọt mất 3dB của tín hiệu gốc. Nhưng nó ko bụp một cái giảm đi 3dB ngay, như vậy sẽ rất thiếu tự nhiên. Thay vì thế, Compressor từ từ giảm dần cường độ của tín hiệu cho tới khi nó đạt được mục đích (cắt đi 3dB). Thời gian của quá trình này nhanh hay chậm sẽ bị ảnh hưởng bởi Attack (thường tính bằng mili-giây).

Nói 1 cách khác Attack ảnh hưởng tới độ nhạy, độ chính xác của Compressor trong việc xử lý tín hiệu audio.

Attack ảnh hưởng tới độ nhạy, độ chính xác của Compressor trong việc xử lý tín hiệu audio

Hình trên minh họa quá trình chuyển đổi từ khi tín hiệu ở dạng nguyên gốc sang bị nén hoàn toàn (tức là compressor giảm đi số dB đúng như ratio đã chỉ định). Attack Time đôi lúc được viết dạng Attack Phase, đều có nghĩa là giai đoạn mào đầu của quá trình nén. Trên Compressor bạn chỉnh Attack là 10ms thì chưa chắc Attack Phase sẽ luôn diễn ra trong 10ms mà có thể chậm hơn hoặc nhanh hơn, tùy vào số dB compressor cần giảm đi của tín hiệu gốc nhiều hay ít.

Lý do tại sao? Vì trong thực tế sử dụng, hãng sản xuất sẽ KHÔNG thể nào biết trước được bạn căn Threshold, ratio.. là bao nhiêu. Do đó, nếu Attack Phase luôn xảy ra trong 1 thời gian cố định như bạn đã căn (ví dụ 5ms) thì đôi khi sẽ quá chậm với số dB bị nén nhỏ và sẽ quá nhanh với số dB bị nén lớn. Người dùng sẽ rất khó kiểm soát công cụ của mình.

Bởi vậy, người ta lấy 1 giá trị tham chiếu để quy định Compressor mất bao nhiêu thời gian để giảm đi số dB đó (thường là 10dB). Để cho dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: nếu bạn để Attack là 5ms, và nhà sản xuất thiết lập giá trị tham chiếu là 10dB. Điều đó có nghĩa là Compressor sẽ mất 5ms để giảm đi 10dB, mất 10ms để giảm đi 20dB với cùng 1 giá trị Attack 5ms.

Nhờ đó, âm thanh sẽ tự nhiên hơn rất nhiều vì khi giảm đi số dB lớn hơn, Compressor sẽ thực hiện Attack Phase trong quãng thời gian dài hơn, tác động sẽ mượt mà hơn!

Một số Compressor chỉ cho phép bạn lựa chọn giữa Fast Attack và Slow Attack (ví dụ SSL Channel Compressor). Tùy nhà sản xuất và Model, fast attack thường rơi vào khoảng 20-1000 micro giây (1 micro giây bằng 1/1.000.000 giây). Slow Attack thường dao động từ 20-50 mili giây.

Attack nhanh (dưới 10ms) sẽ làm giảm “công lực” của âm thanh và ngược lại. Ví dụ: Bạn xử lý âm thanh tiếng Kick Drum với attack nhanh, tiếng Kick này nghe sẽ yếu hơn, thiếu tự nhiên hơn do Compressor đã gần như ngay lập tức can thiệp, làm yếu đi giai đoạn đầu của tiếng Kick đó (vốn mang nhiều năng lượng nhất).

Nếu bạn dùng Attack chậm (20-50ms), tiếng Kick nghe có vẻ mạnh hơn, uy lực hơn vì nó tác động chậm hơn, phần năng lượng mạnh nhất của tiếng Kick ít bị sờ mó hơn. Thay vào đó, nó tác động chủ yếu vào phần âm thanh tiếng Kick ngân ra sao. Đủ dễ hiểu chưa nhỉ?

Release

Ngược lại với Attack, Release ảnh hưởng tới khoảng thời gian Compressor cần để chuyển tín hiệu từ dạng nén hoàn toàn thành dạng bình thường (không bị nén). Ví dụ: Nếu Compressor có gọt đi của bạn 3dB, sau khi cường độ âm thanh không còn thỏa mãn tiêu chí do Threshold đặt ra, Compressor sẽ thực hiện giai đoạn Release (release phase) để trả lại 3dB đã mất giúp tín hiệu audio phục hồi lại mức âm lượng thu/phát như bình thường.

Release ảnh hưởng tới khoảng thời gian Compressor cần để chuyển tín hiệu từ dạng nén hoàn toàn thành dạng bình thường

Tương tự như Attack, giả sử Release bạn để là 30ms – điều này KHÔNG có nghĩa là Compressor sẽ luôn thực hiện quá trình Release trong vòng 30ms. Nó phụ thuộc vào số dB mà Compressor đã cắt đi của tín hiệu gốc và phụ thuộc vào giá trị tham chiếu của hãng sản xuất nữa.

Ví dụ: Nếu Compressor gọt của bạn 10dB, với cùng 1 giá trị Release bạn đã căn từ trước, quá trình phục hồi âm lượng thu/phát cho tín hiệu audio gốc sẽ mất ít thời gian hơn so với khi Compressor gọt của bạn 20dB.

Khi sử dụng Compressor, các kỹ sư âm thanh thường để Release ngắn nhất có thể trước khi nghe thấy âm thanh trở nên thiếu tự nhiên, khó chịu (trừ khi đó là điều họ muốn).

Lý do? Vì khi Compressor đang trong quá trình thực hiện Release Phase, nếu âm thanh gốc lại 1 lần nữa thỏa mãn tiêu chí do Threshold đặt ra, Compressor vẫn bỏ qua mà điềm nhiên thực hiện tiếp giai đoạn Release của mình tới khi xong thì nó mới bắt đầu theo dõi cường độ tín hiệu để tiếp tục thực hiện chu kỳ tiếp theo của mình. Điều này dẫn tới việc Compressor sẽ có hành vi tác động không nhất quán đối với các nốt nhạc/âm thanh khác nhau của track Audio hiện tại, khiến âm thanh nghe thiếu tự nhiên.

Tuy vậy, nếu biết cách sử dụng Release dài, Compressor lại giúp bạn giải quyết khá nhiều vấn đề trong bản mix và có các hiệu ứng thú vị.

Knee

Khi tiếp xúc với Compressor nhiều, bạn sẽ gặp không ít lần tham số trừu tượng (nhưng cực kỳ hữu dụng) này. Hiểu 1 cách nôm na, Knee giúp bạn điều chỉnh độ mượt mà và tự nhiên khi compressor biến đổi tín hiệu âm thanh từ trạng thái bình thường không nén sang trạng thái bị nén.

Compressor Hard Knee khiến âm thanh bị biến đổi mạnh hơn, đột ngột hơn Soft Knee

Có 3 loại Knee phổ biến: Hard Knee, Medium Knee, SoftKnee. Ở chế độ Soft Knee, âm thanh chuyển từ trạng thái thường sang bị nén 1 cách nhẹ nhàng, từ từ hơn rất nhiều so với Hard Knee. Medium Knee là mức nằm giữa.

Làm sao mà nó làm được điều đó? Rất đơn giản. Như tôi đã chia sẻ trong phần Attack và Release, bất kỳ sự thay đổi cường độ tín hiệu quá đột ngột nào cũng sẽ dẫn tới việc âm thanh bị mất tự nhiên hoặc nghe rõ là có Compressor hoạt động (điều này không phải lúc nào cũng xấu).

Khi thiết lập Soft-Knee hoặc Medium Knee, Compressor sẽ tác động khi tín hiệu còn chưa kịp chạm tới Threshold và tăng dần ratio khi cường độ tín hiệu tăng dần. Compressor sẽ đạt ratio tối đa (là mức chúng ta quy định) khi cường độ tín hiệu vượt quá Threshold.

Điều này dẫn tới việc Compressor sẽ tăng dần độ thô bạo theo mức tăng cường độ tín hiệu. Tín hiệu càng to, Compressor hoạt động càng mạnh (ratio/độ thô bạo tối đa là mức chúng ta quy định từ trước bằng thông số Ratio). Kết quả là sự chuyển biến về cương độ âm thanh mượt mà, tự nhiên hơn.

Một số Compressor cực linh hoạt (Sonalksis SV315 MK2, DMG Audio Compassion…) còn cho phép bạn điều chỉnh kích cỡ của Knee bằng dB (ví dụ Knee 10dB, 14dB, 24dB…)! Kích cỡ của Knee ảnh hưởng tới việc Compressor sẽ bắt đầu hoạt động khi cường độ tín hiệu nằm dưới Threshold ít hay nhiều. Tất nhiên, Knee càng to thì âm thanh sẽ càng tự nhiên. Tuy nhiên, 1 lần nữa, nhiều khi âm thanh tự nhiên không phải là thứ chúng ta cần. Do đó, bạn hãy thử nghiệm và tự đánh giá xem lúc nào thì dung Soft Knee, lúc nào thì dùng Hard Knee.

Dưới đây sẽ là một số gợi ý của chúng tôi tùy chỉnh Knee khi sử dụng Compressor

  • Bạn hãy thử Soft-Knee với các âm thanh cần sự tự nhiên như Vocal trong 1 bản Pop Ballad
  • Với Rock Drums, Hard-Knee là lựa chọn tốt vì lúc này sự tự nhiên trong âm thanh không quá quan trọng. Cái ta cần là sự dữ dội. Điều này giải thích tại sao SSL Channel Compressor là một trong những công cụ yêu thích của các mixing engineer khi xử lý các ca khúc thuộc thể loại nhạc này. Trên máy tính, bạn có thể làm quen với âm thanh của Hard Knee Compressor bằng cách gọi plugin Waves SSL Channel.

Make-up Gain

Nút Make-up Gain (cách viết khác là Output Gain hoặc là Gain) cho phép bạn điều chỉnh cường độ tín hiệu đầu ra của Compressor. Tham số này tự giải thích cho tính năng của nó rồi.

Gain Reduction Meter

Đại đa số Compressor cho bạn biết số dB bị cắt đi bởi Compressor là bao nhiêu qua công cụ đo cường độ tín hiệu tên là Gain Reduction (viết tắt là GR). Nhờ đó, bạn dễ dàng theo dõi xem lúc nào thì Compressor hoạt động/không hoạt động, hoạt động nhanh hay chậm, tác động ít hay nhiều bằng… mắt.

Gain Reduction trong Fabfilter Pro C2, một trong những Compressor được nhiều producer, sound engineer tin dùng

Bên cạnh EQ, việc sử dụng Compressor là yếu tố vô cùng quan trọng giúp phân định đẳng cấp của bản mix amateur, bản mix bán chuyên và bản mix chuyên nghiệp một cách rạch ròi. Phong cách sử dụng Compressor cũng là một yếu tố để phân biệt sản phẩm của các kỹ sư âm thanh có cùng đẳng cấp.

Tham khảo thêm:

https://en.wikipedia.org/wiki/Dynamic_range_compression

– PVCH –