Sau khi thu âm, bước quan trọng nhất là để có được sản phẩm hoàn chỉnh là khâu mix giọng hát. Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn đọc các bước mixing kinh điển nhất mà mọi kỹ sư âm thanh thường dùng để tạo được bản thu âm hay nhất.
Bước 1: Căn chỉnh nhịp cho giọng hát
Nhịp là một trong những vấn đề đầu tiên của giọng hát. Bài hát muốn hay trước hết phải đúng nhịp. Đặc biệt việc lệch nhịp hay sảy ra trong thu âm tốp ca. Khi mà mỗi người hát với một phong cách nhịp điệu khác nhau.
Ta cũng có thể sử dụng phương pháp compping – Đây là kỹ thuật chọn một trong nhiều file thu nháp của một câu trong bài hát, kỹ thuật này giúp ta lấy được bản thu đúng nhịp nhất của ca sĩ mà không phải cắt ghép nhiều, đồng thời còn giữ được nguyên vẹn độ tự nhiên của hơi thở của ca sĩ. (Hãy nhớ rằng lúc thu âm chúng ta nên thu nhiều lần để có thể thực hiện kỹ thuật này nhé)
Sử dụng các plugin cân nhip: Đây là biện pháp cứu cánh cho mọi bản thu sai nhịp, đặc biệt là tốp ca và nhóm bè, giúp tự cân bằng nhịp so với giọng hát chính. Vì đặc thù là nền cho giọng hát chính nên việc sử dụng plugins dù có đôi chút ảnh hưởng đến sự tự nhiên của giọng thu nhưng khi tham chiếu trên bản mix tổng thể thì hầu như không thể nhận ra các khác biệt.
Bước 2: Căn chỉnh chênh phô cho giọng hát
Trong khâu thu âm giọng hát, chúng ta không đặt bản thu đúng cao độ là tiêu chí hàng đầu, mà là bản thu có sự thể hiện tốt nhất về cảm xúc. Không ai có thể hát đúng 100% các note trong bài hát kể cả diva hàng đầu. Vì vậy việc tune lại cao độ giọng hát là một trong những kỹ thuật xương sống phân biệt một bản mix chuyên nghiệp hay nghiệp dư.
Đương nhiên đối với các ca sĩ chuyên nghiệp việc hát đúng 90% các note là việc không khó. Tuy nhiên những phần rung và câu luyến láy thường sẽ gặp một số vấn đề chênh phô và phải được xử lý hậu kỳ để có được cao độ đúng nhất.
Một số plugins phổ biến để chỉnh chênh phô là Melodyne, Wave Tuner hay Varie Audio…v….v.
Bước 3: Căn chỉnh âm lượng (Gain Stage)
Đây là bước đơn giản và cũng là bước quan trọng hàng đầu mà ít người để ý.
Vì bản thu âm thường là những lần thu âm ghép lại chứ không phải ca sĩ thu một lần từ đầu đến cuối bài. Do đó sẽ gặp một số vấn đề về âm lượng giữa mỗi lần thu, đôi khi ca sĩ chỉ cần đứng xa hơn 5cm khi thu cũng đã đủ để tạo ra sự khác biệt giữa mỗi file thu âm.
Ngoài ra còn phải cân chỉnh âm lượng giữa các giọng hát với nhau – Ví dụ như các đoạn hát solo đổi vai trong tốp ca, hay đơn giản hơn là tương quan giữa âm lượng giọng hát chính và giọng hát bè hay backing track.
Cuối cùng là cân bằng âm lượng giữa đầu ra tổng của giọng hát và nhạc nền. Tôi luôn gom tất cả đường out của các track vocal vào chung một bus để so sánh với đầu out của nhạc nền, so sánh âm lượng bằng các analyzer có vẻ sẽ chính xác hơn là đôi tai. Đây cũng là bước quan trọng cuối cùng trong căn chỉnh âm lượng để chúng ta có cái nhìn tổng thể về bản mix.
Bước 4: Dynamic & EQ
Sau khi căn chỉnh âm lượng, việc tiếp theo là mixing bằng các plugins. Tôi luôn đề xuất việc sử dụng mô hình sau để làm tham chiếu cho mọi bản mix. Các kỹ thuật phức tạp hơn sẽ phụ thuộc vào từng giọng hát mà trong bài viết này khó lòng đề cập hết được.
Pre EQ > Comp > Deeser > Post EQ
Pre EQ: Theo quan điểm của tôi là một EQ chỉ dùng để cut những tín hiệu thừa dải thấp (low cut) và những tín hiệu xấu bị trội ví dụ như muddy hoặc harshness.
Comp luôn đặt sau post EQ vì với quan điểm của tôi, sau khi cắt Pre-EQ thì tần số mới balance hơn. Nếu comp trước thì đôi khi sẽ xử lý tín hiệu bị sai ( vì có thể Comp sẽ chạy trước ở phần tần số thấp mà đó không phải là phần tín hiệu của giọng hát )
Deeser: là plugins xử lý các harshness ở giải mid-hight do âm “s” “sh” và trong tiếng việt có thêm âm “tr”, “ch”. Điều này phụ thuộc vào lời bài hát và ngôn ngữ sử dụng mà có nhiều hay ít hay không có các âm harshness này.
Post EQ là một EQ dùng để làm màu sắc cho giọng hát bằng cách boost hoặc cut tần số ở dải rộng ( tham số Q lớn ). Nhằm mục đích cân bằng màu sắc và vị trí trong bản mix so với phần nhạc cụ nền.
Bước 5: Thêm các hiệu ứng cần thiết
Bước cuối cùng là thêm một số hiệu ứng như reverb hay delay để làm bản mix giọng hát có không gian hơn. Thay vì chèn trực tiếp vào track như bước Dynamic & EQ thì bước này chúng ta sử dụng công cụ send để có khả năng điều khiển tốt hơn các hiệu ứng này trong bản mix tổng.
Việc lựa chọn các plugins hiệu ứng phụ thuộc vào dòng nhạc của bài hát cũng như concept của bản mix đề ra.
Đối với những người trong nghề thì điểm ngọt khi send của tất cả các hiệu ứng reverb là nghe reverb như không nghe thấy, nhưng tắt reverb thì lại thiếu. Đối với delay thì có tính sáng tạo hơn nên tôi không đề cập ở đây.
Trên đây là 5 bước mix giọng hát kinh điển mà rất nhiều kỹ sư âm thanh phòng thu sử dụng để thực hiện những bản mix chuyên nghiệp. Các bạn cũng có thể tham khảo thêm các bài viết về mixing và mastering để có thêm nhiều kiến thức nhé.
Tham khảo thêm:
https://www.soundonsound.com/techniques/vocal-production
– Duc Tran –