Hướng dẫn mixing cơ bản – Insert và Send

Như tôi cũng đã giới thiệu ở các bài viết trước về seri hướng dẫn làm nhạc với fl studio và hướng dẫn mixing cơ bản, chúng ta đã được làm quen với thuật ngữ Insert và Send. Bạn có biết chỉ cần thay đổi cách chèn hiệu ứng, thiết bị xử lý tín hiệu vào DAW hoặc mixer cũng tạo ra sự khác biệt về kết quả cuối cùng hay “hoành tráng hơn” là mở ra cả một chân trời sáng tạo mới trong mix nhạc không?

Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về đường đi tín hiệu khi đấu nối qua Insert và Send thường thấy trong bất cứ phần mềm làm nhạc/DAW hay analog mixer/console chuyên nghiệp nào. Tận dụng được ưu thế riêng của các cách đấu nối thiết bị, plugin sẽ khiến bạn có thêm đất dụng võ, phát huy hết năng lực tiềm ẩn của thiết bị, quản lý bản mix tốt hơn.

hướng dẫn mixing cơ bản
Sử dụng Inserts và Sends thế nào cho đúng?

Insert và Send là gì?

Khi mở bất cứ mixer phần mềm nào, bạn cũng sẽ thấy có các tùy chọn cho phép sử dụng hiệu ứng trên đường Insert hoặc đường Send. Tôi đã giải thích sơ qua về Insert và Send trong bài viết Cách sử dụng Reverb cơ bản rồi nhưng hôm nay muốn đi sâu hơn 1 chút về 2 cách chèn hiệu ứng này.

Insert – Xếp hàng tuần tự

Khi bạn chèn, đấu nối thiết bị vào đường Insert, các thiết bị này sẽ tác động và thay đổi trực tiếp âm thanh gốc một cách tuần tự. Thiết bị đặt phía sau sẽ sử dụng “sản phẩm âm thanh” của thiết bị đặt trước làm “nguyên liệu gốc” và cứ thế tới thiết bị cuối cùng.

Bạn có thể hình dung mỗi thiết bị là một công nhân trong dây truyền sản xuất cá hộp. Người đầu tiên bốc dỡ từng thùng cá đông lạnh từ biển rồi sắp lên dây chuyền. Người thứ 2 lấy cá trên dây chuyền rồi sơ chế. Người thứ 3 lấy cá đã sơ chế tẩm ướp gia vị, v.v…

Với phương thức đấu nối này, thứ tự của các thiết bị ảnh hưởng tới âm thanh cuối cùng. Điều gì sẽ xảy ra nếu ta hoán đổi người sơ chế cá và người tẩm ướp gia vị mà giữ nguyên nhiệm vụ của họ? Không biết món cá của chúng ta sẽ ra sao nhưng tôi tin chắc rằng hương vị của nó sẽ rất khác. Từ đây chúng ta có một thuật ngữ trong việc bố trí thiết bị xử lý tín hiệu tuần tự: Serial (tuần tự).

Tại đường Insert, chúng ta có 2 lựa chọn là Pre-Fader (trước Fader) và Post-Fader (sau Fader). Trong Cubase, các plugin/thiết bị nào chèn vào Insert Slot từ 1 đến 6 được cấu hình là Pre-Fader. Fader (cái cần gạt điều khiển volume của kênh Audio các bạn vẫn thấy trong mixer) sẽ quyết định âm lượng của track audio đó to hay nhỏ bất kể output của các plugin đặt trong Insert Slot từ 1 đến 6 có là gì (miễn đừng câm – mute – là được). Các plugin đặt trong Insert Slot từ 7 đến 8 được cấu hình là Post-Fader. Điều này có nghĩa là Fader của kênh Audio đó điều khiển cường độ tín hiệu đầu vào của các plugin này chứ không phải cường độ âm thanh tổng thể của kênh Audio.

Pre-Fader và Post-Fader Insert

Thông thường chúng ta sử dụng Post-Fader Insert ít hơn so với Pre-Fader. Tôi sẽ nói về vấn đề này cụ thể hơn trong phần tiếp theo. Các bạn lưu ý, không phải tất cả các Analog Mixer/Console đều có Post-Fader Insert như DAW hiện đại.

Send – Song song ta cùng tiến

Khi thiết lập đường Send cho một kênh audio, Cubase sẽ tạo một bản sao (kênh send) của tín hiệu đầu ra kênh audio. Thiết bị/plugin của bạn dùng tại đường Send sẽ tác động lên bản copy này chứ không sờ mó gì vào kênh audio gốc. Tất nhiên, bạn có thể sử dụng 1 hoặc nhiều thiết bị trên đường Send.

Âm thanh cuối cùng bạn nghe được sẽ là sự hòa trộn giữa kết quả của chuỗi xử lý tín hiệu tại đường Insert và kết quả của chuỗi xử lý tín hiệu bên đường Send. Một kênh Audio có thể gửi bản copy tín hiệu tới nhiều kênh Send khác nhau. Thứ tự các kênh Send không ảnh hưởng tới âm thanh. Thuật ngữ dành cho cách xử lý này là Parallel (song song).

Tương tự như Insert, Send cũng có 2 cách thiết lập Pre-Fader. Trong Cubase, các kênh Send dạng Pre-Fader có màu xanh ngọc, Post-Fader có dạng màu xanh da trời. Riêng với cách thiết lập Pre-Fader Send, dù bạn có điều khiển Fader kênh Audio như thế nào cũng không ảnh hưởng tới tín hiệu đầu vào của kênh Send tương ứng.

Sơ đồ routing của Insert và Send trong Cubase

Sự lợi hại của kênh Send nằm ở chỗ nhiều kênh Audio có thể cùng gửi bản copy tín hiệu đến 1 kênh Send chung. Kênh Send này lại có thể thiết lập Pre-Fader hay Post-Fader với từng kênh Audio một. Sự linh hoạt của kênh Send là món quà bằng vàng những nhà thiết kế Analog Console mang đến cho chúng ta!

Do được thiết lập thành một kênh riêng biệt, kênh Send cũng chứa những đặc tính như bất kỳ kênh audio nào. Kênh Send cũng có các Insert Slot như kênh Audio, và tính chất tuần tự trong xử lý ở đây cũng y hệt. Sự khác biệt nằm ở chỗ nguồn âm thanh đầu vào của kênh Send là sự hòa trộn của đầu ra các kênh Audio khác (dùng chung kênh Send đó) gửi vào.

Như vậy, qua bài hướng dẫn này, các bạn đã hiểu được tính năng và cách hoạt động của các kênh Insert và Send cũng như hiệu quả trong bản mix mà nó đem lại. Trong các bài viết sắp tới của seri, chúng tôi cũng sẽ đi vào thực tế nhiều hơn trong bài viết về Reverb và Delay. Các bạn hãy đón chờ các bài viết mới của seri hướng dẫn mixing cơ bản nhé.

Tham khảo thêm:
https://en.wikipedia.org/wiki/Insert_(effects_processing)

– PVC