Tự thu âm giọng hát tại nhà hiện nay đã là việc rất dễ dàng cho mọi ca sĩ hay nhà sản xuất độc lập. Ở bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn những bước cơ bản nhất để các bạn có thể có được bản thu âm giọng hát tốt nhất.
Chọn micro thu âm giọng hát:
Micro tốt nhất là micro phù hợp nhất:
Chưa chắc micro đắt tiền đã là micro phù hợp nhất với giọng hát và nhu cầu thu âm của bạn. Một số tiêu chí mà các bạn nên cân nhắc để lựa chọn micro phù hợp nhất cho giọng của mình:
- Ngân sách: là tiêu chí hàng đầu rồi. mỗi phân khúc micro sẽ có một vài lựa chọn phù hợp cho mình.
- Micro dynamic hay condenser: đây là tiêu chí quan trọng, nếu bạn sử dụng micro condenser, hãy chắc chắn rằng bạn có một pre-amp để cung cấp nguồn 48v cho micro.
- Micro large-diagram hay small-diagram: đặc thù khi tự tiến hành thu âm, thông thường nhiều bạn không có phòng được xử lý âm học tốt nên có nhiều tiếng ồn. Hãy cân nhắc rằng các micro màng thu lớn thu âm thanh giọng hát sẽ rất chi tiết, nhưng cũng sẽ thu được nhiều tiếng ồn. Ngược lại micro màng thu nhỏ thì ít có tiếng ồn hơn. Đánh đổi tiếng ồn hay độ chi tiết là lựa chọn của mỗi bạn. Nếu bạn đang thu giọng hát cho nhạc heavy rock thì độ chi tiết cũng không còn quá quan trọng đúng không?
Lựa chọn micro tốt nhất để thu âm trong số những micro bạn đang sử dụng để có thể có được bản thu âm tốt nhất cho giọng hát của mình. Nếu các bạn đang có nhu cầu tìm hiểu để mua các micro phù hợp nhất, hãy đọc bài viết sau về các loại micro thu âm của chúng tôi để có thêm kiến thức.
Lựa chọn phòng để khi thu âm giọng hát không bị ồn
Chúng tôi đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này, các bạn có thể đọc qua tại link dưới đây:
- https://dtrecords.vn/2023/01/17/cach-xu-ly-tap-am-khi-thu-am/am-khi-thu-am/
- https://dtrecords.vn/2023/01/16/5-buoc-de-tu-thu-am-chuyen-nghiep-tai-nha/
Những vấn đề quan trọng khi thu âm giọng hát cần được chú ý:
01. Popping:
Popping là vấn đề về phát âm của nhiều ngôn ngữ sử dụng bộ tiếng latin. Khu chúng ta phát âm những âm “P” và “B” thì hơi thở có xu hướng bật ra khỏi khuôn miệng và tạo tín hiệu năng lượng lớn ở phần trầm khi thu vào mic.
Để xử lý vấn đề này thì chúng ta có thể đứng cách xa mic tầm 30-40 cm để hơi giọng được phân rã đều trước khi âm thanh chạm vào micro. Phương pháp này sẽ kiểm soát được Popping mà vẫn giữ được độ tự nhiên của giọng hát / giọng nói khi thu âm.
Trường hợp cần thu âm sát micro như giọng đọc trần thuật, giọng thì thầm hoặc ASMR thì chúng ta phải sử dụng các popfilter phù hợp để chắn hơi bật từ phát âm. Cách này rất hiệu quả nhưng lại giảm độ chi tiết của âm thanh thu được.
Hãy cân nhắc kỹ các biện pháp hạn chế Popping mà chúng tôi đề ra để có được âm thanh như ý.
02. Sibilance:
Cũng là một trong những vấn đề của việc phát âm. Khi phát âm nhũng câu từ có các âm “S”, “F” và với tiếng việt thì có thêm âm “Tr”, “Ch”, thường giọng con người sẽ đi kèm với những hơi xì ở tần số cao. Việc này sẽ khiến cho giọng thu được nghe có vẻ “chói tai”. Vấn đề này đặc biệt lộ rõ khi thu âm bằng những micro condenser có độ chi tiết tốt ở tầng tần số cao.
Để xử lý Sibilance có rất nhiều phương pháp. Một số phương pháp điển hình:
- Xử lý bằng hậu kỳ: Một phương pháp phổ biến và cũng khá hiệu quả bằng dynamic compressor.
- Hạn chế sibilance bằng việc cúi mic xuống thấp hơn miệng
- Sử dụng pencil trick: buộc một cái bút hoặc vật tròn nhỏ bất kỳ vào phía trước micro để phân tán âm thanh tần số cao ( có chứa âm sibilance) trước khi âm thanh tiến đến màng thu âm của micro.
03. Tiếng ồn chủ động:
Hạn chế các tiếng ồn chủ động do chính bạn tạo ra để chúng không lọt vào bản thu qua micro của bạn như: Tiếng lật trang giấy, tiếng cọ sát của quần áo…v…v
Có lẽ bạn cũng cần thêm một shock mount cho micro để tránh trường hợp người hát chạm vào các thiết bị như micro, chân mic, dây dẫn…v…v tạo ra tiếng ồn do rung động thân mic.
4 vị trí đặt micro thu âm giọng hát hiệu quả:
01. Đặt micro ở phía trước, gần miệng ca sĩ, khoảng cách 15-20cm:
Là phương pháp hiệu quả và dễ dùng để thu được chất giọng thật của ca sĩ, tuy nhiên sẽ đi kèm các tạp âm như sibilance và popping, cũng như tiếng nước bọt. Hãy chắc chắn rằng bạn đã thực hiện các xử lý các vấn đề này mà ở bên trên chúng tôi đã giới thiệu
Chất âm và ứng dụng: Đây là phương pháp phổ biến để thu giọng đọc và giọng hát. Bạn hãy cảm giác rằng micro chính là đôi tai của người nghe. Việc đặt micro ở gần sẽ có thể lấy được các chi tiết của giọng hát một cách chi tiết nhất, kể cả tiếng thì thầm. Billie Eilish và nhà sản xuất đã thực hiện kỹ thuật thu âm này trong rất nhiều ca khúc đạt giải gramy của mình. Bạn hãy thử đặt mic ở vị trí này và cảm nhận âm thanh xem có phù hợp với sản phẩm của mình không nhé.
02. Đặt micro ở phía trước, cách miệng ca sĩ tầm 20-40 cm:
Đây là phương pháp phổ biến để thu giọng hát chất lượng cao. Tuy nhiên để thực hiện phương pháp này bạn cần có các thiết bị micro và preamp chất lượng cao. Vì khi thu âm ở khoảng cách này, thông thường tín hiệu thu được sẽ hơi nhỏ và việc kéo âm lượng lên cao với các thiết bị thấp sẽ gây ra tiếng ồn và méo tín hiệu.
Chất âm thu được với phương pháp này rất tự nhiên, do việc đứng xa micro hơn phương pháp đầu sẽ làm âm thanh phân tán và có một chút tương tác với âm thanh của phòng, chất âm sẽ không bị bí bách. Đồng thời việc đứng xa hơn nên các âm sibilance và popping cũng được hạn chế, khâu hậu kỳ sẽ không cần tác động quá nhiều hiệu ứng. Bạn biết đấy, trong mixing với những file âm thanh càng ít phải sử dụng hiệu ứng thì càng là file âm thanh chất lượng cao.
03. Đặt micro dựng ngược từ trên xuống:
Là phương pháp nâng cao để thu các giọng hát có kỹ thuật xử lý headvoice tốt. Phương pháp cũng thích hợp với những giọng hát với quãng cao, vì khi hát những nốt cao thì người ca sĩ thường có xu hướng ngước cổ lên và hướng miệng lên trên cao. Việc đặt micro ngược xuống sẽ thu được toàn bộ hơi thở và giọng hát của người ca sĩ và bản thu sẽ chi tiết hơn.
Các tần số cao thường có xu xướng định hướng ( hướng theo hướng vector của nguồn phát ). Do đó việc thu âm thường sẽ thiếu ổn định khi các ca sĩ trình diễn thường rất khó giữ nguyên một tư thế để thu âm. Đặt micro theo tư thế này sẽ giảm bớt được phần nào việc out-position của miệng đối với micro.
04. Đặt micro thấp hơn miệng và hướng xuống ngực.
Là phương pháp nâng cao để thu các giọng hát chest voice. Các giọng kiểu này thường có tầng mid và tầng trầm rất tốt, mà thường thì các tầng này được phát ra từ cổ và ngực. Việc đặt mic ở gần các vị trí này sẽ giúp chúng ta bắt được trọn vẹn dải tần âm thanh của người ca sĩ phát ra.
>> Đọc thêm bài viết của chúng tôi về các loại giọng hát và quãng giọng để tìm hiểu thêm trước khi lựa chọn vị trí đặt micro nhé.
Trên đây là những phương pháp mà chúng tôi thường sử dụng. Hi vọng chúng sẽ giúp được các bạn có được chất lượng thu âm hiêu quả nhất khi tự thu âm giọng hát tại nhà.
Một số nguồn tham khảo:
https://www.shure.com/en-US/performance-production/louder/vocal-miking-tips-2
https://www.soundonsound.com/techniques/vocal-recording-production-masterclass
– Duc Tran –